Cẩm nang gia đình – Khi hôn nhân rạn nứt, không tìm được tiếng nói chung, vì con cái có người cố gắng duy trì hôn nhân, nhưng có người cho rằng thà chia tay còn hơn để con cái chứng kiến những cảnh cơm chẳng lành, canh không ngọt diễn ra hàng ngày của cha mẹ. Vậy nên hay không nên ly hôn vì con?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lấy nhau được 12 năm, đã có một trai, một gái nhưng cuộc sống gia đình chị Lan chẳng mấy yên ấm vì anh chồng vừa mê cờ bạc dẫn tới nợ nần vừa trai gái lăng nhăng. Đã thế, anh còn đối xử với chị rất tệ, hỏi tiền vợ không đưa là đánh đập, khiến không khí trong gia đình luôn căng thẳng. Chị đã cạn tình với chồng nhưng không muốn ly hôn vì nghĩ thương con, sợ con thiếu cha lớn lên sẽ khổ. Chị cam chịu để giữ cho con đủ cha mẹ.
Lan nhân viên một công ty máy tính ở Hà Nội kể, cô và chồng đã sống ly thân hai năm. Về đến nhà việc ai người đó làm, không ăn, ngủ cùng nhau… Người ngoài nhìn vào vẫn nghĩ gia đình cô đang yên ấm nhưng thật sự cuộc hôn nhân đó chỉ còn cái vỏ bọc, để con cái có đủ cha – mẹ. Cô không muốn ly hôn vì cho rằng, nếu có tái hôn thì cũng chỉ đến thế mà thôi!
Cạnh nhà tôi có hai vợ chồng sống dằn vặt nhau bằng …im lặng, vì con mà không chia tay. Họ đâu biết, sống trong một gia đình mà cha mẹ không hạnh phúc thì con cái cũng có vấn đề. Hai cô con gái của họ, cô lớn thì đi làm từ rất sớm, về rất muộn, thỉnh thoảng lại thấy ngồi sau xe máy, ôm chặt một anh chàng tóc xanh tóc đỏ; cô nhỏ mới học lớp 7 đã biết bỏ nhà đi. Chúng chia sẻ: bố mẹ cháu sống không hạnh phúc, mấy năm nay không ăn cơm cùng nhau, không khí gia đình rất buồn chán… Chúng cháu chỉ mong bố mẹ li dị vì cuộc sống của bố mẹ không khác gì địa ngục.
Trên thực tế, với nhiều gia đình chọn giải pháp không ly hôn, con cái chỉ là cái cớ. Nguyên nhân thực sự là ở các bậc cha, mẹ. Nhiều người không muốn ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình. Phụ nữ thì sợ cô đơn, khó tìm bạn đời sau ly hôn. Nam giới thì sợ ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp, hình ảnh bản thân… Họ duy trì hôn nhân trên danh nghĩa vì … con, nhưng thực ra lại là vì mình. Và hẳn nhiên, những cuộc hôn nhân kiểu này chỉ là bi kịch cho chính họ và những đứa trẻ tội nghiệp.
Cho con một chỗ dựa an toàn
Trên thực tế, con cái không chỉ cần có đủ cha mẹ mà hơn hết, chúng cần cha mẹ yêu thương nhau, gia đình vui vẻ hạnh phúc. Việc những đứa trẻ từ nhỏ chứng kiến cảnh cha mẹ đối xử với nhau lạnh nhạt hoặc có bạo lực sẽ gây ra những tổn thương nặng nề cho tâm hồn của trẻ, làm chúng mất dần niềm tin cũng như suy nghĩ tốt đẹp về hôn nhân. Thậm chí có những trường hợp vì ấn tượng xấu đó mà nhiều người quyết định không lập gia đình vì sợ khổ như cha mẹ.
Việc ly hôn nên xét đến khi cuộc sống vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, không còn cảm xúc tình yêu với nhau. Ly hôn không phải lúc nào cũng là vực thẳm. Khi cha mẹ chia tay chỉ nên hiểu rằng cha mẹ không hợp, không hạnh phúc thì không sống cùng nhau nhưng tình cảm dành cho con cái vẫn đủ đầy. Con vẫn có cha, có mẹ – chỉ là cha mẹ không ở cùng nhà mà thôi.
Nếu hai người lớn biết chia tay êm đẹp, vẫn tôn trọng nhau, cùng có ý thức, trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và quan tâm đến con cái thì sự phát triển về thể chất và tâm hồn của trẻ vẫn hoàn toàn ổn định. Ngược lại, nếu cha mẹ chia tay trong thù oán, dẫn đến giành giật con cái, hoặc nói xấu nhau sẽ gây ra sự hoài nghi và làm trẻ bị tổn thương. Trẻ sẽ ở trong tình trạng khó xử, cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa…
>> Tham khao them: Sua may lanh quan 2